Kiếm được 1 triệu USD và nghỉ hưu ở tuổi 37, kỹ sư người Mỹ tiết lộ 9 bí quyết quản lý tiền bạc khôn ngoan ai cũng nên biết

0
595
Chris Reining
Chris Reining

Trước khi trở thành triệu phú và nghỉ hưu sớm ở tuổi 37, Chris Reining làm việc ở vị trí lập trình viên an ninh mạng tại vùng Trung Tây (Hoa Kỳ). Dưới đây là câu chuyện “Làm thế nào để nghỉ hưu sớm” mà Chris Reining đã chia sẻ trên Business Insider.

Khi bước sang tuổi 30, hầu hết chúng ta sẽ nhanh chóng quên đi những sai lầm ở tuổi 20. Bởi rất khó khăn để bạn trưởng thành và kiếm sống nuôi chính bản thân mình. Một anh bạn của tôi chia sẻ dự định bán saxophone để kiếm tiền và điều này khiến tôi nhớ lại quãng thời gian mình đã từng phải vay tiền để mua căn hộ đầu tiên.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nếu bạn sống quá dư dả khi còn trẻ, bạn sẽ không biết quý trọng đồng tiền. Bởi khi bạn đã có mọi thứ, bạn sẽ không còn khao khát kiếm tiền để sở hữu thứ gì nữa.

Dưới đây là 9 cách giúp bạn quản lý tiền bạc khôn ngoan hơn và có thể sớm đạt mục tiêu tài chính để nghỉ hưu sớm giống như tôi.

1. Tăng giá trị của bản thân sẽ giúp bạn tăng thu nhập

Khi bạn liên tục giỏi hơn trong lĩnh vực mà mình đang làm, bạn sẽ trở nên có giá trị hơn. Và khi bạn được đánh giá cao hơn, người ta sẵn sàng trả lương cho bạn lớn hơn. Khi có mức thu nhập lớn hơn, bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn.

Tôi đã từng dành hầu hết những năm tháng ở tuổi 20 cho tiệc tùng và cưỡi ngựa tiêu khiển, cho đến khi tôi nhận ra rằng nếu muốn kiếm được nhiều tiền hơn, tôi phải trở thành một người giá trị hơn. Vì thế tôi bắt đầu đọc sách, tham vấn chuyên gia và kết giao với những người tài giỏi khác.

2. Học nhiều kỹ năng khác ngoài chuyên môn

Bạn hãy học các kỹ năng ngoài chuyên môn như diễn thuyết trước đám đông, tâm lý, viết lách, thiết kế, trò chuyện, thuyết phục, công nghệ hoặc ngoại ngữ. Bởi khi bạn đã trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình, bạn sẽ cần những kỹ năng mới để có thể kiếm nhiều tiền hơn.

Điều này giống như việc một kiến trúc sư vẫn có thể trở thành một nhà diễn thuyết và nhà văn giỏi. Hay một huấn luyện viên cá nhân vẫn có thể là bậc thầy tâm lý, thuyết phục và nghệ thuật giao tiếp.

3. Bạn phải lựa chọn lối sống cho mình

Khi bạn kiếm được nhiều tiền hơn, chắc chắn bạn không còn sống dựa vào đồng lương nữa. Tuy nhiên, bạn cũng rất dễ để “sa đà” vào chi tiêu 50.000 USD khi bạn kiếm được 50.000 USD hay chi tiêu hết 100.000 USD khi bạn kiếm được 100.000 USD.

Nếu bạn vẫn tiếp duy trì lối sống này, sẽ đến lúc bạn thốt lên rằng “6,4 triệu USD cũng không đủ cho gia đình tôi”. Nếu bạn không muốn nhìn lại cuộc sống của mình với hối tiếc và những sai lầm vì đã chi tiêu tiền bạc quá tay, hãy lựa chọn lối sống cho mình.

4. Tiết kiệm và đầu tư

Để nghỉ hưu, bạn cần phải tiết kiệm cho tương lai. Bạn muốn làm điều này từ những năm 20 tuổi, nhưng bạn phải trả nợ học phí sinh viên. Đến khi 30 tuổi, bạn muốn tiết kiệm nhưng bạn cần phải mua một căn nhà và nuôi con. Bước sang tuổi 40, bạn vẫn muốn thực hiện tiết kiệm nhưng lúc đó, bạn phải dành tiền cho con vào đại học…

Lời khuyên của tôi ở đây là: Bạn hãy tiết kiệm và đầu tư một danh mục. Đơn giản, bạn chỉ cần bỏ ra 5 đô la mỗi ngày, cuộc sống của bạn cũng có thể hoàn toàn thay đổi sau 20 năm.

5. Ngôi nhà không phải là khoản đầu tư tốt nhất

Tôi đọc được một bài báo nói rằng: 65% người trẻ coi việc mua nhà là khoản đầu tư dài hạn tốt nhất mà một người có thể thực hiện trong đời. Trong giai đoạn từ 1890-2012, tốc độ lạm phát điều chỉnh của một căn nhà khoảng 0,17%. Điều này có nghĩa rằng nếu bạn mua một ngôi nhà với giá 5.000$ vào năm 1890, nó sẽ có giá trị 6.150$ vào năm 2012.

Trong khi cùng khoảng thời gian đó, tốc độ lạm phát điều chỉnh của thị trường chứng khoán là 6,27%. Như vậy, nếu bạn đầu tư 5.000$ vào năm 1890, bạn sẽ có 8.000$ vào năm 2012. Vì thế, bạn đừng bao giờ nghĩ rằng mua nhà là khoản đầu tư tốt nhất nữa.

6. Bạn không thể có mọi thứ

Tôi không bao giờ cảm thấy hối tiếc khi phải chi hàng ngàn USD đi du lịch. Vì sao vậy? Bởi vì bạn sẽ không bao giờ cảm thấy tội lỗi khi chi tiền vào những thứ có giá trị đối với bạn. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn phải cắt giảm mọi thứ không quan trọng trong cuộc sống của mình.

Chẳng hạn, tôi không bao giờ chi quá 10$ vào điện thoại và không xem tivi trong suốt 7 năm qua. Việc nhận ra mình không thể có mọi thứ sẽ giúp bạn quản lý tiền bạc tốt hơn và tránh lãng phí trong cuộc sống của mình.

7. Thay đổi nhỏ có thể dẫn đến thành quả lớn

Tôi từng nói với bản thân rằng việc chi 5$ tiền sữa mỗi ngày sẽ chẳng có vấn đề gì cả, nhưng bây giờ tôi đã phải thay đổi. Khi bạn có khả năng thay đổi từ những điều nhỏ nhặt nhất, bạn sẽ có cơ hội nhận lại thành quả lớn hơn.

Nếu bạn thực sự coi trọng việc tiết kiệm, hãy tìm một căn nhà nhỏ hơn để ở, loại bỏ siêu xe và những vật dụng không cần thiết. Ngược lại, nếu bạn thấy không cần thiết phải tiết kiệm, hãy bỏ qua những gì tôi nói và tiếp tục với ly sữa của bạn mỗi sáng.

8. Suy nghĩ dài hạn

Những người mà tôi từng huấn luyện đều rất thông minh và thú vị. Điều ý nghĩa nhất tôi học được từ họ là không nhìn cuộc sống ngắn hạn, chẳng hạn họ không thiết lập mục tiêu hàng năm, mà thiết lập mục tiêu hàng thập kỷ.

Khi thiết lập mục tiêu dài hạn như vậy, bạn sẽ có cơ sở để đối chiếu và nhìn ra sự tiến bộ của bản thân. Khi đó, bạn sẽ có động lực để tiến xa hơn.

9. Bạn phải có ít nhất 2 mục tiêu trong đời

Khi 20 tuổi, tôi hay bị ấn tượng bởi những ngôi nhà quá to, những chiếc xe quá đắt tiền hay số carat trên chiếc nhẫn đính hôn của ai đó. Và tôi từng nghĩ rằng thành công chính là việc tôi có thể chứng tỏ cho người khác thấy tôi sở hữu những thứ “hào nhoáng” đó.

Tuy nhiên, sau này tôi nhận ra rằng đó chỉ là bề nổi. Bạn vẫn có thể đặt cho mình mục tiêu là biệt thự, xe sang hay nhẫn kim cương đính carat nhưng bạn phải có một mục tiêu bên trong nữa. Hay nói cách khác, bạn đừng để bản thân giàu có hào nhoáng bên ngoài, nhưng lại nghèo đói từ bên trong.

Khánh Ly (Theo Nhịp Sống Kinh Tế)