Một chút lạm bàn về công danh

0
458
Một chút lạm bàn về công danh
Hình minh họa, nguồn: kabarsiwalan.ga

Biết bao vị vua và các vị thủ trưởng tin dùng những kẻ xu nịnh tâng bốc, dẫn đến tan nát cơ đồ, cũng chỉ vì thị dục này mà ra cả.

Theo Sigmund Schlomo Freud (1856-1939) – nhà tâm lý học vĩ đại người Đức thì nhân loại mang hai thị dục căn bản nhất, là “tình dục” và “thị dục huyễn ngã” (lòng mong muốn được người khác cho mình là vẻ vang, quan trọng). 

Còn John Dewey (1859 -1952)- nhà triết học, tâm lý học, và cũng là một nhà cải cách giáo dục người Mỹ cho rằng: “Thị hiếu mạnh nhất của con người là thị dục huyễn ngã”. 

Vì thế, có phải chăng khao khát công danh – sang giàu – quyền lực, luôn đi cùng với con người!?

Abraham Lincoln (1809 -1865) – Tổng thống thứ 16 của Mỹ, ông còn được mệnh danh là người giải phóng vĩ đại, đã từng nói: 

“Ai cũng muốn được người ta khen mình”. 

Khốn khổ thay được khen, hay được thừa nhận đâu có dễ! Chẳng thế mà người Việt có câu: “Được tiếng khen ho hen chẳng còn”

Thế mới thấy cái danh thơm thật nghiệt ngã biết bao!? 

Nhưng dường như: “Được tiếng khen ho hen chẳng còn” còn để lại nhiều thông điệp sâu xa, chẳng hạn như cần phải biết lượng sức mà lập danh, kẻo được danh rồi, thì thân tàn ma dại.

Hoặc nếu đã dám vì cái danh, thì cũng phải dám chịu, chấp nhận những khổ công hay những mất mát nào đó…    

Chính nhờ có thị dục huyễn ngã cực mạnh và có giáo dục, nên một người   sinh trưởng trong một gia đình nghèo, học vấn dở dang để chỉ làm một thư ký quèn trong một tiệm tạp hóa, đã mua những cuốn sách rách nát  nghiền ngẫm và tự học, để trở thành một vĩ nhân Lincoln. 

Nhưng có bao nhiêu người được như Lincoln? 

Thật không khó để nhận ra, trong lịch sử nhân loại biết bao người có cái tài, cái chí và cái đức miệt mài như Lincoln, nhưng không thành được Lincoln.

Bởi lẽ còn vận may, còn thời thế, và nhiều điều kiện khác nữa… 

Thị dục huyễn ngã không chỉ sản sinh ra những thiên tài chân chính, cùng với tài đức-những khổ công của họ cống hiến cho đời, mà còn sản sinh ra những “quái kiệt”, gây khổ đau nhân loại. 

Thị dục huyễn ngã cũng không chỉ tạo nên chủ nhân của những tấm bằng, những tấm huy chương đúng giá trị, mà cũng còn cả những chủ nhân không tương xứng. 

Rồi biết bao vị vua và các vị thủ trưởng tin dùng những kẻ xu nịnh tâng bốc, dẫn đến tan nát cơ đồ, cũng chỉ vì thị dục này mà ra cả.

Cũng do thị dục huyễn ngã mà thời đại nào cũng có những vị quan thanh liêm, nhưng cũng không thiếu những kẻ quan tham tài hèn đức mỏng.

Trong lao động sáng tạo, có mấy tác phẩm được để đời, cũng như có được mấy ai thành danh. Nhưng không sao, thế giới của những đam mê, khát vọng lao động sáng tạo, vẫn không vì thế mà nản lòng, ngưng nghỉ. 

Bởi dẫu không thành danh, thì người ta vẫn làm nên những giá trị nào đó cho chính cuộc đời mình, tức là “thành nhân” vậy! Và sẽ ra sao trong “chốn công danh”, nếu ở đó xuất hiện những kẻ “ngồi nhầm chỗ”? 

Đành rằng thị dục huyễn ngã là bản chất của nhân loại, nhưng có mấy người hời hợt – lười nhác – dựa dẫm – thụ hưởng, lại dám liều lĩnh chen chân vào chốn đòi hỏi gắt gao lòng đam mê, tài năng và lao động sáng tạo, để hòng kiếm chác danh lợi!? 

Cũng như chốn linh thiêng nơi cửa Phật, đâu phải là chốn cho những kẻ còn nhiều ham hố bận lòng. 

Nhân loại nói chung luôn suy nghĩ như thế, văn hóa và đạo lý của người Việt hàng nghìn năm nay cũng thế. 

Nhưng tiếc thay, ngày nay ngay cả những nơi, những vị trí tưởng như rất kén người, ấy thế mà vẫn không ít kẻ lọt lưới.

Từ lịch sử cho thấy, thị dục huyễn ngã hướng những mục tiêu cá nhân cao cả hay thấp hèn, trước hết bởi thước đo của những giá trị xã hội. 

Thị dục huyễn ngã cũng có thể được nuôi dưỡng và tác động – phát huy tích cực, cũng có thẻ  bị kìm nén, hoặc thậm chí đâu đó còn có khi không muốn thừa nhận, hay bị tác động méo mó. 

Thị dục huyễn ngã, hạt giống sản sinh ra những cá nhân tốt hay xấu, dường như phụ thuộc vào văn hóa – giáo dục – tín ngưỡng và hoàn cảnh xã hội mà cá nhân ấy được thụ hưởng.

Thị dục huyễn ngã là đặc trưng của loài người, mà loài vật không có dục vọng này. 

Nhờ thị dục huyễn ngã, mà nhân loại ngày càng văn minh, một cá nhân có xuất phát điểm khiêm tốn, có thể nỗ lực vươn lên trở thành người có uy tín cao trong xã hội. 

Tất nhiên mặt trái của nó, sinh ra những kẻ tàn ác-bất chính, thậm chí như nó cũng đã từng sản sinh ra những kẻ mang trọng tội chống nhân loại, hay những kẻ kéo lùi lịch sử. 

Cuối cùng tác giả xin được chia sẻ chân thành về bài thơ liên quan đến câu chuyện công danh và cuộc sống dưới đây, được viết gửi cho con trai, khi cậu ấy 30 tuổi, và chuẩn bị được làm cha.

GỬI CON TRAI
Hà Nội đêm 24-5-2015
 
Ông nội dạy cha:
Danh dễ có sẽ tan thành hư ảo
Thẫn thờ tiếc nuối hóa thành điên
Tiền bạc đến nhanh sớm đội nón ra đi
Chỉ còn tấm thân tàn tạ.

Bà nội dạy cha:
Danh do công mà ra
Công không xứng ấy chỉ là danh hão
Lọc lõi ư? chẳng được đâu con
Đảo điên cho lắm-tai ương sẽ nhiều.

Cụ nội dạy cha:
Thiên hạ nhân thiên hạ tài
Tầng tầng lớp lớp
Chim kêu vượn hót…
Kẻ săn mồi rình rập.

Nhìn đỉnh cao nhớ vực kia thăm thẳm
Mỗi vinh quang một nghĩa địa oan hồn
Cánh đồng hoang xương trắng điêu tàn
Chỉ một vài khóm hoa bên cỏ dại!
Công danh đến ngẫm suy phần phúc phận
Phúc chưa dày sao có thể vinh hoa
Phận còn mỏng có được chăng phú quý
Nợ đời ai trả kiếp phù du?!

Vòng luân chuyển kiếp người dâu bể
Cha mong con cuộc sống bình thường
Vốn công đức phủ bao phần thụ hưởng
Thấu nỗi lòng bất hạnh trần ai!
Khi gặp may con chớ vội mừng
Khi gặp rủi hãy bình tâm hóa giải
Cuộc đời dài cha chẳng thể dạy con
Con luôn gắng hiểu lòng tạo hóa!

Theo Dương Quốc Việt / giaoduc.net.vn