Làm người thiện lương, dù phúc chưa tới nhưng họa chắc chắn đã rời xa

0
1027
Làm người thiện lương, dù phúc chưa tới nhưng họa chắc chắn đã rời xa
Làm người thiện lương, dù phúc chưa tới nhưng họa chắc chắn đã rời xa

Cổ ngữ nói: “Người thiện lương cho dù chưa nhận được phúc nhưng họa thì đã rời xa”. Bởi vậy, thế gian có thể hỗn loạn nhưng nội tâm không thể dơ bẩn. Trong thời điểm nhiễu nhương, thiện lương thường hay bị chê cười, nhưng rốt cuộc nó lại là thứ duy nhất có thể bảo tồn lương tri, ban cho con người hy vọng, đưa con người vượt thoát tuyệt cảnh.

Thiện lương chân chính không nằm ở hình thức bề ngoài mà là thể hiện của nội tâm. Thiện lương không phải là vẻ thành kính nơi chùa chiền, miếu mạo mà chính là sự quan tâm, tôn trọng xã hội từ những điều rất nhỏ trong cuộc sống. Thiện lương là lương tri, là bản tính, là lựa chọn và là một đức hạnh tốt đẹp của con người.

Người càng lương thiện thì nhân cách càng lớn lao. Họ làm việc có thủy có chung, xem trọng trách nhiệm của mình, vô tư không vụ lợi. Họ không để yêu ghét che mờ thiện ác, không khiến lợi ích phủ khuất lương tri, họ coi trọng những giá trị phổ quát. Bởi vậy đối với việc còn thiếu sót thì họ chung tay làm cho tốt đẹp, đối với tội ác thì họ lên tiếng hay hành động bảo vệ kẻ thế cô. Người ta bảo họ “hay lo chuyện bao đồng”, nhưng họ mới là người duy trì ngọn lửa chính nghĩa cho nhân quần, ấp ủ niềm tin và hy vọng vào tương lai cho xã hội.

Người lương thiện không vì bản thân mà tranh đấu ngược xuôi, sống cuộc đời khổ nhọc, tính kế hại người, ăn không ngon ngủ không yên. Họ không vì cách nhìn của người khác mà dễ dàng thay đổi bản tính của mình. Trong đối nhân xử thế họ luôn mỉm cười vui vẻ dẫu có phải chịu nhiều đắng cay.

Lương thiện không phải mềm yếu hay khờ khạo, nó chính là bản tính nguyên sơ của sinh mệnh con người. Người lương thiện ẩn giấu một loại sức hút vô cùng lớn. Mỗi một việc làm lương thiện dù là nhỏ của họ đều sẽ tích lũy lại, chậm rãi khiến họ tỏa ra một ánh hào quang mỹ diệu lấp lánh, khiến người tiếp xúc cảm thấy tin tưởng và gần gũi. Chỉ người mang trong mình tấm lòng lương thiện mới có thể đặt mình vào hoàn cảnh người khác để hiểu và cảm nhận người khác. Người như vậy tuy rằng vẻ ngoài của họ không xinh đẹp xuất chúng nhưng nội tâm của họ khiến người tiếp xúc cảm thấy ấm áp và kính phục vô cùng.

Người phương Đông có câu: “Người ta sinh ra một thiện niệm, tuy chưa biến thành việc thiện, nhưng đã được thần may mắn bảo hộ rồi”. Người phương Tây tin rằng: “Những điều xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim”. Thiện lương là phương thuốc màu nhiệm làm chấn động tâm can con người, có sức mạnh vĩ đại để xóa đi mọi khổ đau. Nó là một kho báu vô tận mà bất cứ ai cũng có thể chia sẻ cho tất cả người thân, bạn bè và cả kẻ thù của họ.

“Quả đất tròn”, tất cả những việc làm lương thiện của bạn rồi cuối cùng cũng sẽ quay trở lại với bạn. Quý nhân không phải ở đâu xa xa mà được ẩn giấu ngay sau tấm lòng thiện lương. Người thiện lương khi lâm vào khốn cảnh sẽ luôn có cách bảo toàn, trông thì nguy nan mà thực ra là “hữu kinh vô hiểm”. Ấy là vì “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, đạo Trời không phân biệt người thân thích, đối xử công bằng với chúng sinh, nhưng làm việc thiện là phù hợp với đạo Trời, cho nên những người lương thiện đều thuận theo đạo Trời mà được sự quan tâm chiếu cố. Người thiện lương dù làm việc không cầu nhận được hồi báo nhưng cuối cùng vẫn nhận được hồi báo không tưởng. Đó không phải là sự ngẫu nhiên mà đó là Thiên đạo.

Người thiện lương khi xưa, không bởi vì lâm vào nghịch cảnh, không bởi vì đối mặt với sinh tử, không bởi vì cám dỗ trước công danh lợi lộc, mà vứt bỏ tiết tháo, phẩm chất của mình. Những câu chuyện mà họ để lại, tín niệm kiên định phi thường mà họ thể hiện ra, khiến kẻ ngu ngoan cũng trở nên lý trí, kẻ liệt nhược cũng hóa ra cương cường.

Trong xã hội coi trọng của cải tiền bạc ngày nay, để tìm được một người thắp sáng lương tri thực sự là khó. Nhưng chính trong xã hội hỗn loạn này, trong nguy nan khốn khó, trong hoàn cảnh “trắng đen lẫn lộn”, nếu như ai có thể vượt qua được những cám dỗ của danh lợi, không đánh mất bản tính chân thật, lương thiện, vẫn bảo vệ cái thiện, chống lại cái ác, thì người ấy chính là người có phẩm chất cao quý. Cho dù họ có phải chịu thiệt thòi trước mắt thì cuối cùng cũng sẽ nhận được phúc báo lâu dài.

Lịch sử nhân loại cho thấy khi đại nạn xảy ra, chỉ những ai còn tồn lưu thiện niệm, còn bảo hộ lương tri, mới là những người đứng vững. Họ chính là hy vọng của đất nước, là tương lai của dân tộc.

Theo An Hòa / Trithucvn