Công danh với sự nghiệp

0
469
Công danh với sự nghiệp
Công danh với sự nghiệp

Trích bài nói chuyện của Nhà thơ Xuân Diệu trước các anh em sinh viên Đại học ở Hà Nội ngày 20/03/1945. Bài viết được trích từ phần “Công danh với sự nghiệp” in trong cuốn “Thanh niên với Quốc văn”, NXB Thời Đại, 1945.

Nhà thơ Xuân Diệu (1916-1985)
Nhà thơ Xuân Diệu (1916-1985)

Nước Việt Nam ta lụn bại vì công danh. Người Việt Nam hàng nghìn năm cho đến nay, hiểu lầm hai chữ công danh. Đang lúc các bạn thiếu niên nhiều người có ý ngóng ngóng chờ chờ đi học trở lại, đang lúc sắp mở một kỷ nguyên mới cho nước ta và cho nền giáo dục Nam Việt, tôi tưởng không gì cần thiết bằng bản rõ cùng các bạn đi học, về cái công danh

Chúng ta thường nhắc những trang sử vẻ vang, những chiến công oanh liệt, thì chúng ta một mặt khác, cũng phải biết xét vì đâu mà nước ta yếu đuối; cũng phải thấy cái di truyền nghìn cổ nó hãy còn đè nặng trên trí não của ta. Sở dĩ lúc người Pháp sang mà nước ta không thể đối đầu, tôi thiết tưởng cũng vì hàng nghìn năm rồi, học trò Việt Nam đi học, chỉ nghĩ đến đường công danh mà không nghĩ đến cái sự nghiệp.

Cái cuộc chạy đua tranh cướp chức vị, nó ráo riết trong cả 80 năm đô hộ của Pháp, cuộc chạy đua ấy cũng đông một giòng với sự thi cử nghìn năm của nước ta xưa.

Cái mầm lụn bại nó nắp sẵn ở trong sự học lầm đường rồi, cho nên nước ta mới phải yếu hèn như vậy.

Cùng với nước Tàu, nước Việt ta xưa chuyên chủ về học khoa cử. Khoa cử là cái khuôn sẵn của nhà cầm quyền để nắn ép nhân tài. Người nào muốn xuất đầu lộ diện, muốn ra ứng dụng với đời, đều phải đi thì trước đã.

Có đỗ thì mới ra làm quan; và phải làm quan đã thì muốn thi thố tài năng gì mới hỏng thi thế được. Nhưng khốn một nỗi, khoa cử là cái học chật hẹp, cái học bóp chẹt người ta trong khuôn khổ một câu văn, trong sáo hủ của vài ý tưởng chính thức được nhà cầm quyền công nhận; cái khoa cử ấy nó nghiêm nghiệt quá, nên nhân tài nào đi qua cũng phải chặt bớt, đẽo bớt, gọt cho nhẵn, sửa cho cân, đến nỗi ra xong cái khuôn, thì nhân tài đã chết rồi, chỉ còn lại một ông công, ông nghè vô vị.

Cái khuôn của triều vua thống trị đã đặt sẵn như thế, dưới thì có một bài kinh nghĩa, trên thì có một bài phú hay một bài thơ; mà trong những thú ấy thì phải nói đi đi lại lại có mấy ỷ trong Khổng giáo. Thế vẫn chưa hết. Chất ăn đã chẳng có gì tẩm bổ, mà cách nấu cũng hạn chế mất rồi. Nấu thì phải nấu giả Đường, giả Tống!

Đến chỗ câu ấy thì phải có chữ hồ, chữ hỉ, thỉnh thoảng lại ngừng lại để nói mấy câu chiếu lệ tán dương.

Cái học khoa cử nó giết nhân tài như vậy; nó làm cho học trò mất bản ngã là thế; nó đuổi sự sáng tạo, sự phát minh.

Ấy thế mà nó đã là cái công danh đấy! Ta có thể nói trắng ra rằng nó thật ngẩn ngơ, và không thông minh một chút nào cả. Mà vì sao các cậu nho, các thầy đồ Việt Nam trước lại cứ đi theo? Thưa các bạn, vì cái công danh! Vì nhà nước chuộng như thế, vì xã hội theo như thế, cho nên học trò đi học cứ thế mà làm; cái học ngu đại mà cũng cú vui lòng theo, miễn sao cho đỗ cái bằng, để được lòng mấy cô yếm thắm giải đảo, răng đen nhưng nhức

Các bạn chớ cười cậu nho vội! Trông xưa lại ngẫm đến mình! Chúng ta nay làm gì đấy, nếu không phải là cố sao đỗ được cử nhân, bác sĩ để được lòng những cô tân thời!

Ôi! Công danh! Lớp học trò chữ Hán đã nhầm vì cái công danh; nước Việt Nam ta xưa đã mất vì cái công danh Tàu. Lớp học trò chủ Tây lại nhầm vì cái công danh; nước Việt Nam ta nay đã lụn bại vì cái công danh Pháp. Vậy ta phải vạch mặt cái công danh ra cho rõ, để ai nấy nhìn nó cho kỹ mà đừng nhầm nữa, đừng tưởng nó là danh dự nữa, là mục đích của sự sống nữa. Ta hãy bóc cái lốt gấm của nó, hãy tước hết cái hào quang giả của nó, hãy lột cái lớp mạ vàng, “rút cái mề đay liệng xuống sông”, và chỉ vào nó mà nói rằng: Hỡi công danh! Mày chỉ là sự kiếm gạo!

Thưa các bạn! Gạo thì ta có thể nào mà không kiếm? Có thực mới vực được đạo, bao giờ mà lại chẳng phải nghĩ đến gạo? Chúng ta kiếm gạo là lẽ thường. Nhưng chúng ta phải có trí rộng rãi và sáng suốt. Rộng rãi để biết rằng cái công danh kiếm gạo không đánh chiếm cả trí não ta: sáng suốt để thấy rằng cái công danh kiếm gạo nó ở vào bậc dưới cùng của thang giá trị.

Cuộc đời sở dĩ chạy được là nhờ ở cái công danh kiếm gạo. Nhưng nếu chỉ có cái công danh kiếm gạo mà thôi, thì cuộc đời chỉ chạy vòng tròn. Cuộc đời còn phải tiến lên, sự sống còn phải đi xa hơn nửa, thế kỳ hai mươi mốt cần phải hoàn hảo hơn thế kỳ hai mươi; nên cái công danh kiếm gạo ta phải liệt vào hạng bét của sức hoạt động của ta, mà phải nghĩ đến sự sáng tạo một cái gì, làm một cái gì, để lại một thành tích khá quan gì có thể đẩy cho bánh xe tiến hóa; nghĩa là ta phải nghĩ đến SỰ NGHIỆP vậy.

Anh em chúng ta lúc nhỏ đi học, đã bị cha chú chúng ta lừa; cha chú chúng ta khi bước đi học đã bị cái nhầm tích trữ lại của lớp ông chúng ta lừa. Lúc bắt đầu đi học, xã hội không giảng cho ta thế nào là công danh, thế nào là sự nghiệp; ai nấy cũng chỉ lo kiếm gạo, đã kiếm gạo lại kiếm cả ô tô, nhà lẩu; cả mọi người lớn đều bận đi tìm vàng, nên chẳng ai ngẫm nghĩ sâu xa mà dạy cho chúng ta. Chẳng ai bảo bên tai ta rằng: “Con đi học đây, là có hai phần học. Một phần rất dễ, rất xoàng, nhưng cần phải có, là con đi học để lập thân, để sau này dễ kiếm miếng ăn. Nhưng con cũng ngày đêm nhớ đến phần thứ hai, khó khăn hơn, nhưng tối cần, là con đi học để mong có một sự nghiệp. Trong khi đọc những sách hay, nhìn những công việc làm của người đi trước, con phải đảo trong trí óc con, trong tâm hồn con, xem thử có gì hưởng ứng hay không; xem thử: trong bản ngã con có cái mầm sáng tạo gì nó đòi nở hay không; con phải cố tìm cái mầm ấy mà nuôi nó, để đời con không phải là đời của một con số, để sự sống, để cuộc đời còn đi xa hơn hiện nay”.

Chúng ta ngày hai buổi cắp sách đến trường, mòn cả đũng quần, rách cả ống tay áo, thì hết bằng nọ đến bằng kia; để rồi đi qua cái của khải hoàn, làm thành ông bác sĩ; ông kỹ sư, ông được sư, quan tri huyện… Nhưng chúng ta có thành ông kỹ sư, hay ông bác sĩ, thì cũng đến vợ con chúng ta hưởng là cũng. Cái cửa khải hoàn kia, thưa các bạn, ai dựng cho ta qua? Có phải xã hội đâu! Vì ta chưa thêm sự tiến bộ gì cho xã hội; ta có sáng tạo, có khám phá ra cái gì đâu, toàn là người khác khám phá ra cho ta học theo cả, thì cần gì nhân loại phải làm cho ta một cái cửa kết hoa? Cái cửa treo hoa và cờ giấy ấy, chính là những bà cô, bà đi treo lên cho ta đó thôi.

Bà cô gọi “cháu tham”, bà đi nói: “ấy ông kỹ sư nhà tôi đấy”, bà thím chào: “thưa cháu bác sĩ”, bà mợ khoe: “cháu huyện tôi vừa đi nhậm chức về”. Và trong khi ấy, các cô tân thời xun xoe khoe áo đẹp, các bà có con gái rối rít cả lên. Cha mẹ chúng ta hỉ hả như sinh ra được những thiên tài; ông bà chúng ta cố sống thêm dăm tuổi để được sắc phong.

Tất cả những cái ấy, cộng thêm một lớp nhà gạch, hay một chiếc xe nhà, làm nên cái công danh đầy. Thầy đồ xưa hủ bại vì cái công danh ấy, học sinh nay mòn mỏi cả tài năng vì cái công danh ấy. Rồi nước ta nửa thế kỷ nay mở cửa đón chào văn minh mới, mà chưa có ai ghi tên vào khoa học, chẳng có ai khám phá ra một con vi trùng, dân ta vẫn khổ, nước ta vẫn nghèo, một phần cũng vì bọn chúng ta đi học, chỉ nghĩ đến cái công danh!

Vậy thì thưa các bạn: Chúng ta hãy nghĩ vừa đủ về cái công danh ấy mà thôi, cái thú công danh nuôi dạ dày và dắt vợ con đi chơi phố. Chúng ta đi học, phải nghĩ đến sự nghiệp, để đời ta có ý nghĩa, để nước Việt Nam cũng có thể góp cho nhân loại một ít nhà thông thái, để người Việt Nam ta chẳng phải chỉ là một bọn người ngồi mát để ăn cái bát vàng mà những thiên tài các nước làm ra.

Muốn thế ta phải lập chỉ ngay từ lúc nhỏ. Lúc mới bắt đầu biết khôn, ta chớ sợ gì mà chẳng làm những Đôngkysốt, ta lập chí đẩy vào cái bánh xe tiến hóa sau này.

Vậy thì thưa các bạn: Chúng ta hãy nghĩ vừa đủ về cái công danh ấy mà thôi, cái thứ công danh nuôi dạ dày và dắt vợ con đi chơi phố. Chúng ta đi học, phải nghĩ đến sự nghiệp, để đời ta có ý nghĩa, để nước Việt Nam cũng có thể góp cho nhân loại một ít nhà thông thái, để người Việt Nam ta chẳng phải chỉ là một bọn người ngồi mát để ăn cái bát vàng mà những thiên tài các nước làm ra.

Muốn thế ta phải lập chỉ ngay từ lúc nhỏ. Lúc mới bắt đầu biết khôn, ta chớ sợ gì mà chẳng làm những Đôngkysốt, ta lập chỉ đẩy vào cái bánh xe tiến hóa sau này.

Có những cậu học trò khi xưa chép dán vào phía trong nắp hòm hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ. Mỗi khi mở hòm, cậu học trò lại đọc thấy:

Đã mang tiếng ở trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông!

Các em út chúng ta, lúc mới lớn lên, cũng đều phải có cái thái độ nghiêm trang, trịnh trọng như vậy. Ở tuổi mười lăm mười sáu, đừng nên có cái não thấy sự gì cũng là khôi hài. Lúc bắt đầu mở mang trí tuệ, tội gì ta không đặt cái chí của ta cho cao? Ta cứ đặt cho siêu việt, sau này dù có phải hạ bớt xuống cũng không hề gì. Chỉ có đáng cười, đáng khinh là những bọn khi đi học chữ à, chữ de… đã cố tâm làm một cái giá mắc áo. Chỉ có dáng sỉ vả là cải hạng cha mẹ đem làm trụy lạc cái tuổi mười sáu mười bảy của đứa con mình, trong khi trí khôn nó đang như mặt trời bình minh. Hạng cha mẹ ấy luôn luôn nhắc cho con nhớ đến nồi gạo, trỏ cho con thấy cái gương ông phán, ông tham. Thật là hạng cha mẹ đem bán con vào chốn lầu xanh, lầu xanh nô lệ!

Lập chí từ lúc đi học, ta sẽ có gan mơ những anh hùng hiệp sĩ, ta không ngần ngại mà xin ngọn lửa sáng tạo đốt cháy đời ta như một que củi; chẳng có sự nghiệp nào to lớn quá đối với sự bạo dạn ngây thơ của ta.

Rồi khi lớn lên, ta sẽ thấy rằng lập chí như vậy chẳng có gì là vô lý cả. Vì ta đã biết có hai thứ sự nghiệp: có cái sự nghiệp chói lòa của những bậc anh hùng hay những đại thiên tài; lại có cái sự nghiệp khiêm nhường của tất cả những người muốn gánh vác. “Vai mang trái đất mong phò chúa, giáp gột sông trời khó vạch mây”… Nếu cái tài của ta nhỏ, đó không phải lỗi tại ta! Ta đã có gan ôm lửa sự nghiệp vào đầu!

Thật ra, ai cũng có thể có một cái sự nghiệp cả. Nghĩ ra một cái đinh cũng là một sự nghiệp; pha ra một thứ thuốc cũng là một sự nghiệp. Sự nghiệp là tất cả những cái gì vun đắp thêm cho sự sống: sự nghiệp là lấy cái vốn cũ của nhân loại mà làm cho sinh sôi nẩy nở một chút gì. Cái ý sự nghiệp là cái ý tài bồi, cái ý sáng tạo.

Còn như người đi trước dạy cho ta học được ngần nào, ta chỉ học đúng đến ngần ấy, rồi cứ thế mà kiếm ăn, đó là ta làm công danh! Làm công danh thì dù anh có thức khuya dậy sớm đến ho lao, cái siêng học của anh chỉ là một sự nhác lười vô cùng tận. Làm công danh thì cuộc sống của nhân loại sẽ mượn hình một cái ao: cái bọn làm công danh dù có béo cho mấy cũng chỉ là một bọn cá hồ, chưa hề biết sự sáng tạo không ngừng của biển cả!

Chi có sự nghiệp mới được bền lâu. Bền lâu chẳng phải ở sự lưu danh: bền lâu là ở nơi thành tích. Cái công trạng của những bậc gây dựng sự nghiệp còn ở mãi trong sự sống của một dân tộc; hay hơn nữa, của cả loài người.

Những hàng bia ở ngay Văn Miếu mà người Hà Nội ai chẳng muốn xem, chỉ vì những ông nghề có đỗ ông nghè thì cũng chẳng phải đã làm nên sự nghiệp. Chúng ta nay kính yêu Nguyễn Công Trứ, không phải là vì Nguyễn Công Trứ đỗ cử nhân, mà chỉ vì Uy Viễn tướng công là một vị doanh điền sứ đại tài; chúng ta nhớ đến Nguyễn Du không phải vì một mảnh bằng, mà chỉ vì đó là tác giả thiên văn chương tuyệt bút. Còn như Lê Lợi thì đỗ bằng gì? thì nào có công danh chi đâu? Thế mà đời đời ta nhớ công đức Thái tổ nhà Lê đã hồi sinh cho dân tộc; Nguyễn Huệ vẫn tư xưng là một người không đi học, mà nay ai chẳng nhớ ơn.

Mấy năm về trước, tôi vẫn tự hỏi: ta đã có một Văn Miếu Tàu, sao ta chưa có một Văn Miếu Tây? Văn Miếu ấy chưa ai lập ra, mà đùng một cái, cái công danh Tây đã bị phá sản. Các bạn ngẫm chuyện ấy cũng thấy rằng: công danh là cái phù vân trên đời. Công danh Tàu hay Tây, hay gì gì đi nữa, cũng chỉ như một đám mây qua; ta chớ xoay theo lắm làm gì, chỉ tổ làm nô lệ và làm mất nước. Hay nếu ta muốn có công danh thật, thì ít nhất ta cũng phải tạo nên cái công danh ta, cái công danh Nam Việt, với những bằng cấp Việt Nam; như thế thì giờ có xoay chiều nào đi nữa, ta cũng cứ là ta.

Đó, cái ý nghĩa của sự nghiệp là như vậy. Là ở sự tạo tác, dù nhỏ, dù to. Sự nghiệp có thành công là một điều tối hân hạnh; nhưng sự nghiệp dù không thành đi nữa, thì cái ý muốn làm cho sự tiến bộ, tự nó cũng đã đẹp lắm rồi.

Tước bỏ hết cả những ý niệm về sự thành công, con người có lập chí bao giờ ít nhất cũng đã gây dựng được một sự nghiệp gần gũi, thiết thực, là cái sự nghiệp làm người. Phải, làm một con người liêm chính, đội trời đạp đất ở đời, biết cái chân giá trị nó ở nơi sự sống cao đẹp, biết tất cả cuộc đời là một sự đi lên, biết liêm si, biết nhờn tởm sự khom lưng cúi đầu, biết sợ đến rùng mình cái gông tinh thần, cái cùm nô lệ. Kiếm gạo thì cứ kiếm gạo; có ăn mới sống; nhưng không lặn hụp trong cái công danh. Sống mà không làm bẩn thỉu sự sống, cũng đã là một sự nghiệp đẹp lắm rồi!

Mà tại sao chúng ta lại không hy vọng? Một triệu học trò trong một nước, ai cũng lập chí cả, thì trong mười năm, lại chẳng sinh ra được một trăm anh tài lỗi lạc hay sao? Anh tài lỗi lạc chẳng phải là một ông bác sĩ khám bệnh lấy tiền đâu; anh tài là một người giữa cái nguy cơ quên nguồn, đã viết nên một bộ Việt sử: anh tài là một người đầu tiên làm ra một bộ tự điển quốc ngữ: anh tài là những kẻ cố làm sao cho khoa học, triết học có thể khảo cứu bằng tiếng Việt Nam…

Chúng ta hãy cố công, và cố công! Thế nào ta cũng sẽ có một ít sự nghiệp. Mà cũng có một thứ sự nghiệp này nữa, là sự nghiệp can đảm của những chiến sĩ; họ đem máu của họ, đem cái đời họ vứt vào để lấp cái hố bất công. Chớ tưởng rằng một sự sống vứt vào cái hố bất công mà mất đi. Không, nó lặn xuống dưới, làm cạn bớt cái hố; và chờ những sự sống khác vứt vào, mãi mãi vứt vào, thì cái hố cũng phải lấp cạn. Sự nghiệp là thế đó; những trang anh kiệt đã chịu tù chịu tội, các bạn tưởng họ vứt đời của họ vô bổ hay sao? Sự nghiệp của họ là đây: nếu dân Việt Nam ta còn chưa bị bọn áp chế xử như dân Mán dân Mường, dân Việt Nam ta chẳng bị liệt vào dân mọi, là nhờ có họ. Nói ra thì như là khôi hài, nhưng nếu bọn thưc dân còn chịu để cho người Việt Nam một ít quyền hạn, nếu những ông kỹ sư, bác sĩ người Việt cuối tháng còn lĩnh một món tiền phồng được ví da, đó là nhờ những anh kiệt chịu chết, để cho những phần tử khác hưởng đời. Những anh kiệt ấy tỏ rằng dân Việt Nam là dân biết chết, cho nên là dân đáng sống!

Áp dụng những ý tưởng trên đây về công danh và sự nghiệp, thanh niên tri thức ta hiện nay phải thế nào?

Nước ta đến một nẻo quành của lịch sử; nếu không đi sang được ngả đường mới, nếu phải thụt lại đường xưa, thì chúng ta học mà làm gì nữa! Học hành! Học chỉ để mà hành. Thời này, bọn em út chúng ta có thể cứ học tiếp theo, nhưng chúng ta phải hành chứ không được học. Mẹ chết, thì cô bé mười tuổi cũng phải thành người chị cả, cha mất rồi, thì đưa con nít lên chín cũng phải thành ông chủ gia đình. Huống chi những anh em trên tuổi hai mươi, ta còn nghĩ chuyện học nốt được sao?

Nước Việt Nam sắp thay hình lột vỏ, bọn chúng ta học là học cái gì mới được chứ? Học là công việc thời thường, hành là công việc thời biến.

Nếu trường Đại học mở cửa ra, thôi thì anh em ai nấy lại lo công danh; lo học nốt cái phần bằng còn thiếu, kẻo cô vị hôn thê vẫn chờ; lo tốt nghiệp cho khỏi uổng tiền mười năm cha mẹ gửi; lo có mảnh bằng cho yên chuyện.

Trường mở cửa, thì anh em ai lo lợi nấy, nghĩ chuyện nhà, chuyện vợ, rồi thì việc lớn chẳng ai còn thèm nhìn.

Anh em ơi! Sống chết là ở lúc này, vứt ngay cái công danh đi, nghĩ đến cái sự nghiệp. Anh em ơi! Thời bây giờ là thời ném bút. Bây giờ mà nói học vì khoa học là nói dối: chúng ta chỉ lấy cớ để trốn tránh bổn phận.

Từ rầy về sau, muôn kiếp học trò sẽ mãi mãi coi rẻ cái bả công danh.

Nhà thơ Xuân Diệu (1916-1985)
Trích trong cuốn “Thanh niên với quốc văn”, NXB Thời đại – 1945