Dành cho những ai không bao giờ dám nói lời từ chối: “Tôi không tức giận bởi một lần bị cự tuyệt, chỉ bực mình khi chúng ta lãng phí thời gian của nhau”

0
663
"Tôi không tức giận bởi một lần bị cự tuyệt, chỉ bực mình khi chúng ta lãng phí thời gian của nhau"

Từ chối là một trong những kỹ năng bắt buộc mà chúng ta phải có trên hành trình trưởng thành, không ngừng học hỏi, không ngừng va chạm, mới có thể sàng lọc bản thân và các mối quan hệ chất lượng hơn.

01.

Vài ngày trước, có một anh bạn kể với tôi rằng, nữ đồng nghiệp tại chỗ làm của anh suốt ngày đi nhờ xe. Mới đầu, anh bạn này chỉ nghĩ đó là một lần tình cờ, không phải vấn đề gì to tát nên dễ dàng đồng ý. Nhưng sau đó, ngày càng nhiều lần tình cờ hơn xuất hiện, tần suất cũng ngày càng thường xuyên. Tính đến nay đã gần nửa năm, ngày nào cô này cũng đi nhờ xe của anh, nhưng lại không hề đề cập gì tới chuyện xăng xe cả.

Anh bạn của tôi bắt đầu thấy ái ngại, bèn tìm cách từ chối một cách lịch sự. Hôm sau, anh ta nói với đồng nghiệp rằng, bây giờ đã đón cha mẹ lên ở cùng, cần dùng xe đi lại nhiều hơn, sợ rằng không thể đưa đón được nữa. Ai ngờ, đồng nghiệp vẫn hồn nhiên nói: “Không sao cả, dù gì tôi cũng chỉ đi làm rồi về nhà, anh thuận đường thì gọi tôi, hôm nào đi có việc khác thì tự tôi sẽ tìm cách”.

Một thời gian sau, anh bạn của tôi lại tìm ra lý do khác: “Bạn gái tôi nhìn thấy, cô ấy không vui cho lắm”. Nữ đồng nghiệp vội vàng bày tỏ muốn mời bạn gái anh tới ăn cùng bữa cơm, ba mặt một lời để giải thích rõ ràng thì mọi chuyện sẽ ổn thôi.

Đến nước này, anh cảm thấy thật sự bất lực, bèn tìm bạn bè để giãi bày.

Sau khi nghe chuyện, tôi chỉ có thể nhận xét một câu: Bạn sẽ không bao giờ có thể đánh thức một người giả vờ ngủ.

Thế nhưng, thành thật mà nói, cũng có thể nữ đồng nghiệp của anh bạn tôi hoàn toàn vô tâm vô tư, không hiểu được ẩn ý đằng sau những lời từ chối uyển chuyển đó. Trong cuộc sống, rất nhiều người ngại ngần không muốn thẳng thừng từ chối người khác giống như anh bạn tôi. Do đó, họ thích dùng các lý do hàm hồ để người khác biết khó mà lui.

Đối với những người nhanh nhạy hiểu chuyện, phương pháp này là một cách từ chối bằng uyển ngữ rất hiệu quả. Nhưng đối với một số người khác, họ hoàn toàn có thể hiểu sự việc theo đúng nghĩa đen trên từng mặt chữ, không nắm bắt được ẩn ý cự tuyệt đằng sau.

Dành cho những ai không bao giờ dám nói lời từ chối: Tôi không tức giận bởi một lần bị cự tuyệt, chỉ bực mình khi chúng ta lãng phí thời gian của nhau - Ảnh 1.
Bạn sẽ không bao giờ có thể đánh thức một người giả vờ ngủ.

Cho nên, có người đã nói thế này: Từ chối khéo léo là một nghệ thuật và người biết cách từ chối cũng là một nghệ sĩ, còn nếu bạn không phải nghệ sĩ trong lĩnh vực này, đừng cố ra vẻ. Đó mới là biểu hiện của người có EQ cao.

Tác giả Lưu Đồng của Trung Quốc từng chia sẻ một thông điệp:

“Chúng ta đều là người trưởng thành, phải hiểu chuyện. Bạn không cần tìm cách nói giảm nói tránh khi từ chối tôi. Vì tôi sẽ không tức giận chỉ bởi một lần bị cự tuyệt. Tôi chỉ tức giận khi chúng ta đang lãng phí thời gian của nhau.”

Nếu không biết cách cự tuyệt khéo léo, hãy cứ áp dụng hai chữ: Dứt khoát. Đừng dùng một câu nói mang tính ám chỉ, khiến người nghe ảo tưởng và gây ra sự nghi ngờ hoặc hiểu lầm không cần thiết. Đó mới là cách có lợi nhất cho cả đôi bên.

02.

Có 2 lý do chính khiến người ta cảm thấy khó thốt lên lời từ chối chính là:

Thứ nhất, quá đặt nặng bản thân.

Nhiều người thường nghĩ: “Nếu mình không giúp thì họ làm sao có thể thoát khỏi khó khăn được”. Vô hình chung, tầm quan trọng của bản thân được đẩy lên quá mức, bạn đã tự đưa mình vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Có một cô gái được đồng nghiệp mời tới làm phù dâu vì không quen biết nhiều ở thành phố này cả, mối quan hệ giữa hai người cũng thân thiết, nhất định phải đồng ý giúp đỡ. Nhưng thật không may, đúng vào thời điểm ấy, cô gái lại phát sinh chuyện khẩn cấp ở quê, không thể phân thân để tới tham gia hôn lễ của đồng nghiệp được, đành phải từ chối.

Sau đó, cô gái cảm thấy cực kỳ áy náy, chỉ sợ đồng nghiệp không thể tìm được phù dâu thích hợp khác, ảnh hưởng không tốt tới hôn lễ. Ai ngờ, vào ngày kết hôn, vị đồng nghiệp đó đã mời tổng cộng 5 phù dâu tất cả.

Cho nên mới nói, chúng ta không cần tự phóng đại tầm quan trọng của mình trong cuộc đời người xung quanh. Trong đại đa số tình huống, không có ta thì ắt sẽ có người khác xuất hiện mà thôi.

Dành cho những ai không bao giờ dám nói lời từ chối: Tôi không tức giận bởi một lần bị cự tuyệt, chỉ bực mình khi chúng ta lãng phí thời gian của nhau - Ảnh 2.

Thứ hai, sợ làm ảnh hưởng các mối quan hệ

Trong tiểu thuyết “Thất lạc cõi người” (Tên khác: Nhân gian thất cách) của tác giả Dazai Osamu, tác phẩm được xếp thứ hai trong những cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất Nhật Bản, có một câu nói rằng: “Tôi sợ rằng, khi mỗi lời từ chối được nói ra cũng là lúc một vết rạn trong lòng vĩnh viễn được lưu lại, không có cách nào hàn gắn”.

Chúng ta luôn sợ phải nói lời cự tuyệt vì không muốn đắc tội hay mất lòng đối phương, cuối cùng làm ảnh hưởng tới quan hệ tình cảm đôi bên. Thế nhưng, chính tâm lý này đồng nghĩa với việc coi thường năng lực thừa nhận của người khác, cũng gián tiếp quan trọng hóa vai trò của mình trong lòng đối phương.

Trong thực tế, đã là người trưởng thành về tâm trí và tình cảm, rất ít ai sẽ tuyệt giao với bạn chỉ vì một lần từ chối. Càng quan trọng hơn là, nếu một mối quan hệ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi cách bạn cự tuyệt, vậy nó thực sự không đáng để chúng ta nỗ lực duy trì.

03.

Tất nhiên, từ chối dứt khoát không có nghĩa là chúng ta buông lời tàn nhẫn, không lưu chút tình cảm. Tận dụng EQ đúng chỗ sẽ giúp ta biết rằng, thay vì tìm cách che che giấu giấu để lấy cớ, tốt nhất là biểu đạt ý nghĩ một cách chính xác, rõ ràng, để đối phương nắm rõ có những điều mình không làm được, hoặc không thể làm.

Bí quyết nằm ở chỗ: Thái độ chân thành, không cố tình kéo dài thời gian.

Có một tình huống phổ biến trong cuộc sống như thế này: Một người muốn nhờ bạn giúp đỡ, bạn không từ chối ngay mà lại trả lời rằng, “Hôm nay tôi bận”.

Ngày hôm sau, người đó lại tới nhờ vả, bạn lại nói, “Hôm nay phải ra ngoài làm việc.”

Ngày thứ ba, người đó lại mời bạn đi ăn.

Ngày thứ tư, người đó một lần nữa đưa ra đề nghị, bạn mới nói thật: “Tôi không giúp được.”

Người đó nhất định sẽ giận tím mặt mà trách: “Tại sao không nói sớm đi? Lãng phí thời gian, công sức của người khác.”

Tối kỵ lớn nhất khi từ chối người khác chính là cứ kéo dài thời gian mà không đưa ra một câu trả lời. Điều đó không chỉ khiến đối phương gia tăng phí tổn tâm lý, mà còn dễ làm lỡ chuyện của họ. Chính thái độ không chân thành này còn gây tổn thương hơn một lời từ chối trực tiếp ngay từ đầu.

Theo Dương Mộc / Cafef/Trí thức trẻ