Vào năm 1999, khi một đàn voi tại vườn quốc gia Nam Phi có nguy cơ bị giết hại, chúng đã may mắn gặp được một vị ân nhân cứu mạng – ông Lawrence Anthony đã đưa chúng thoát khỏi nguy hiểm. Năm 2012, khi ông Lawrence qua đời, đàn voi này đã làm một việc khó mà tưởng tượng được: 21 con voi đi bộ suốt 12 giờ đồng hồ đến trước cửa căn nhà gỗ mà ông Lawrence sống khi sinh thời để tiễn đưa ông.
Vậy câu chuyện giữa ông Lawrence và đàn voi đã bắt đầu như thế nào?
Mối duyên gặp gỡ cùng đàn voi
Ông Lawrence Anthony sinh ra và lớn lên ở Nam Phi, ngay từ khi còn nhỏ ông đã yêu thích thám hiểm và thiên nhiên. Sau khi kết hôn, ông đã cùng vợ là bà Francoise Malby-Anthony bán nhà để mua một mảnh đất rộng 2023 ha ở tỉnh KwaZulu-Natal thuộc Nam Phi và xây dựng “Khu bảo tồn sinh thái Thula Thula” và một căn nhà gỗ nhỏ (Safari Lodge).
Thật ra ban đầu, điều khiến ông Lawrence mua mảnh đất này không phải là để cứu giúp động vật hoang dã với quy mô lớn, ông chỉ muốn kết hợp cùng người dân địa phương và quân đội đóng tại khu bảo tồn để bảo vệ hệ sinh thái nguyên sơ, ngăn chặn việc động vật bị săn bắt giết hại.
Có một ngày ông nhận được một cuộc điện thoại, người này cho biết có 9 con voi sắp bị giết do phá hoại rừng trong khu bảo tồn, họ hỏi ông liệu có muốn giữ lại chúng hay không. Với tính cách yêu thương động vật, đương nhiên ông Lawrence không cho phép bi kịch xảy ra, thế nên ông đã nghĩ cách để đưa chúng về chăm sóc tại khu bảo tồn của mình.
Dùng tình yêu thương và sự kiên nhẫn để khiến voi đầu đàn mở lòng
Đối với ông Lawrence, việc chăm sóc voi là một sự thử thách khó tưởng tượng được. Nhưng ông không ngại thử nghiệm và không ngừng tìm tòi, cuối cùng đã có thể khiến đàn voi mở lòng với ông, có thể tiếp xúc với chúng ở cự ly gần, an ủi sự ám ảnh khi từng bị đuổi đánh của chúng. Từ đó, đàn voi đã học cách tuân thủ quy tắc, không còn phá hoại hoặc tấn công con người và các loài động vật khác một cách dã man nữa.
Ban đầu, để thuần phục đàn voi, ông Lawrence thậm chí đã đến sống bên ngoài nơi ở của chúng, mỗi ngày sống bên cạnh chúng, xem chúng như bạn bè, trò chuyện, ca hát, kể chuyện và thổi kèn harmonica cho chúng nghe. Ông từng nói: “Tuy chúng có thể sẽ không còn tin tưởng con người nữa, nhưng ít nhất tôi có thể khiến chúng tin tưởng mình.”
Ông Lawrence nhận ra con voi dẫn đầu trong việc phá hoại là một con voi cái rất hoạt bát và mạnh mẽ, ông gọi nó là “Nana”. Nhiệm vụ đầu tiên của ông đó là phải loại bỏ sự bất an, lo âu và tâm lý đề phòng của nó.
Quả nhiên “trời xanh không phụ lòng người có tâm”, tình yêu thương đã làm tan chảy băng đá, phương pháp “lấy nhu thắng cương” của ông Lawrence thật sự có hiệu quả. Vào một ngày nọ, ông rất kinh ngạc nhận ra rằng thì ra “Nana” bình thường rất kiêu ngạo, không chịu lùi bước nay đã bắt đầu chủ động đến gần ông, nó vươn cái vòi dài của mình vượt qua hàng rào, chạm vào cánh tay của ông, làm nũng và chơi đùa cùng ông. Ông miêu tả rằng khi chứng kiến khoảnh khắc xúc động này, ông đã cảm động đến mức rơi nước mắt, tất cả mọi sự vất vả đều xứng đáng.
Việc ông thành công thu phục trái tim của voi đầu đàn đồng nghĩa với việc đã thuần phục được cả đàn voi. Vì thế, đàn voi của “Nana” đã chính thức sống bình yên tại khu nhà ấm áp mà ông Lawrence xây dựng cho chúng. Dù vậy, sau này vì đàn voi không ngừng tăng lên về số lượng, “Khu bảo tồn sinh thái Thula Thula” đã không còn đủ chỗ cho chúng nữa, ông Lawrence đành phải đưa đàn voi đến khu bảo tồn bên cạnh. Khi muốn thăm chúng ông sẽ phải lái xe đến, mà mỗi lần thấy ân nhân đến thăm, chúng đều vui mừng chào đón ông.
Voi đầu đàn “Nana” và đàn voi của nó:
“Tang lễ” xúc động
Vào ngày 2/3/2012, ông Lawrence qua đời vì bệnh tim, khi vợ ông đang vô cùng đau đớn tuyệt vọng thì bà nhận được cuộc điện thoại của nhân viên thông báo rằng có một đàn voi đang đi về phía căn nhà, đã từ lâu chúng không đến khu vực này rồi.
Theo lời anh Dylan Anthony, con trai của ông Lawrence, nơi ở của đàn voi cách căn nhà rất xa, chúng đã phải đi suốt 12 giờ đồng hồ mới đến được đây.
Khi đó, “Nana” dẫn đầu đàn voi đến căn nhà gỗ vào lúc sáng sớm, còn một đàn khác thì đến vào ngày hôm sau, tổng cộng có khoảng 21 con voi. Chúng xếp hàng trước nhà, vươn những cái vòi dài lên trời rồi phát ra tiếng kêu bi ai rất dài, chúng dùng cách của loài voi để thực hiện nghi thức tang lễ long trọng cho ông Lawrence trong suốt 2 ngày rồi mới rời đi.
Tuy người ta đã biết đến việc loài voi tiễn đưa và chôn cất cho đồng loại qua đời của chúng, sự tương tác và tình bạn của chúng với con người cũng không hề hiếm gặp, chúng thường hay bày tỏ sự biết ơn của mình đến với các nhân viên chăm sóc chúng. Nhưng vì sao chúng lại biết được việc ân nhân cứu mạng Lawrence đã qua đời để trịnh trọng đến tiễn đưa? Không có ai có thể giải thích được.
Chỉ có một cách giải thích duy nhất, giống như những gì mà tiến sĩ Leila Gal Berner từng nói, giữa đàn voi và ông Lawrence đã xây dựng một mối dây liên kết về tâm linh ở một mức độ nào đó, vì thế chúng có thể cảm nhận được việc “người bạn thân yêu của chúng đã ra đi”.
Vào ngày 4/3/2012, bà Francoise có chia sẻ trên Facebook rằng: “Tối hôm nay, tại Thula Thula, đàn voi đã tập trung trước cửa căn nhà gỗ, đây là nơi mà tôi sống cùng Lawrence. Đã từ lâu chúng tôi không nhìn thấy đàn voi xuất hiện ở đây nữa, đây thật sự là một việc phi thường, điều này đã chứng minh động vật có tình yêu thương cũng như khả năng cảm nhận đáng kinh ngạc của chúng, đây là việc con người khó mà tưởng tượng được, còn Lawrence là một trong số ít những người có thể hiểu được. Tôi rất biết ơn hành động gây xúc động của đàn voi, tinh thần của ông Lawrence sẽ mãi mãi tồn tại ở Thula Thula.”
Vợ của ông Lawrence đã rải tro cốt của ông trên đồng cỏ ở khu bảo tồn. Một năm sau, “Nana” lại một lần nữa đưa đàn voi xuất hiện để tưởng niệm vị ân nhân đã rời khỏi thế gian và bày tỏ sự biết ơn sâu sắc của đàn voi dành cho ông.
Theo Minh Ngọc (TrithucVN)