Trong suy nghĩ của con người ngày nay, việc du hành đến tương lai là điều không tưởng. Tuy nhiên, có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng có một phi hành gia người Nga thực sự đã du hành đến tương lai.
Người du hành thời gian
Sergei Krikalev là một phi hành gia kỳ cựu, người đã dành 803 ngày, 9 giờ và 39 phút trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). ISS quay quanh Trái đất với tốc độ khoảng 7,66 km/s. Do khoảng thời gian lưu lại lâu dài trong không gian vũ trụ, nên các nhà khoa học lập luận rằng sau khi Krikalev hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng và trở lại Trái đất từ thì thực tế thời gian của ông đã trôi nhanh hơn thời gian Trái đất 0,02 giây.
Theo Universe Today, “khi các phi hành gia và vệ tinh di chuyển quanh Trái đất, họ ở cách xa trung tâm Trái đất hơn một chút so với người trên mặt đất, do đó thực tế họ sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn từ sự giãn nở thời gian do lực hấp dẫn. Điều này có nghĩa là thời gian của các phi hành gia sẽ nhanh hơn một chút và khi họ quay trở lại Trái đất, thì họ đã phải ‘quay trở lại’ quá khứ so với khi họ ở trong không gian vũ trụ”.
Krikalev đã nghỉ hưu vào năm 2007. Hiện ông là Phó chủ tịch Tập đoàn Vũ trụ Energia – nhà sản xuất các bộ phận lắp ghép của trạm vũ trụ, tàu vũ trụ và tên lửa đạn đạo của Nga. Mặc dù đi trước mọi người 0,02 giây không mang lại cho Krikalev bất kỳ lợi thế đáng kể nào, nhưng ông chắc chắn đã khắc tên mình trong lịch sử như một người đã du hành xuyên thời gian thành công.
Vậy nếu như vậy, liệu chúng ta có thể tiến nhập vào tương lai hay không? Các nhà vật lý cho rằng điều này là có thể.
Theo lý thuyết hiện tại, việc du hành đến tương lai chỉ có thể được thực hiện nếu một người đã có khoảng thời gian ở gần một hố đen. Trao đổi với trang Express, ông Brian Greene, nhà vật lý lý thuyết và nhà lý thuyết dây (thuyết hấp dẫn lượng tử) từ Đại học Columbia, cho biết:
“Bạn có thể dạo chơi [bên cạnh một lỗ đen] một lúc, sau đó quay trở lại, ra khỏi tàu vũ trụ và thời gian hiện tại của bạn có thể sẽ là một năm bất kỳ nào đó trong tương lai. Tất cả tùy thuộc vào mức độ bạn đến gần mép của hố đen bao nhiêu và thời gian bạn dừng ở đó bao lâu. Đó chính là du hành đến tương lai”.
Các vệ tinh GPS thường “du hành” vào tương lai vì chúng quay quanh Trái đất với tốc độ 14.000 km/h. Điều này về cơ bản đã giảm bớt một vài micro giây từ đồng hồ của chúng so với đồng hồ trên Trái đất. Như vậy, cả hai đồng hồ phải được đồng bộ hóa khá thường xuyên để đảm bảo chúng cùng tuân theo một mốc thời gian.
Mô phỏng việc đảo ngược thời gian
Gần đây, một nhóm các nhà khoa học từ Viện Vật lý và Công nghệ Moscow (MIPT) đã thành công trong việc mô phỏng sự đảo ngược của thời gian. Mô phỏng được thực hiện bằng máy tính lượng tử gồm hai qubit (đơn vị thông tin lượng tử), trong đó máy tính phải thực hiện bốn giai đoạn – khởi đầu, suy thoái, đảo ngược thời gian và hỗn loạn.
Trong giai đoạn đảo ngược thời gian, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một chương trình cho phép máy tính đi ngược quy trình, từ trạng thái hỗn loạn chuyển về trạng thái có trật tự (thông thường là ngược lại!!!). Như vậy, thay vì chuyển từ giai đoạn suy thoái sang hỗn loạn, các qubit cuối cùng đã được khôi phục trở lại trạng thái ban đầu, và về cơ bản đây chính là việc du hành trở về quá khứ.
Theo IB Times, “trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã cố gắng phân tích khả năng vi phạmđ định luật thứ hai của nhiệt động lực học. Định luật thứ hai này quy định rằng entropy hoặc sự hỗn loạn của một hệ thống kín sẽ tăng theo thời gian. Sự gia tăng entropy này tạo ra một ‘mũi tên thời gian’, về cơ bản là sự tịnh tiến không thể đảo ngược từ quá khứ đến tương lai”.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng những gì họ đã làm chỉ là mô phỏng quá trình đảo ngược thời gian và điều đó không có nghĩa là con người giờ đây có khả năng du hành về quá khứ. Tuy nhiên, thí nghiệm này chắc chắn đã đưa cho chúng ta những nhận thức rất mới trong cách hiểu về thời gian.
Mặc dù cho tới nay du hành thời gian vẫn chỉ là một khái niệm khả thi trên lý thuyết, nhưng trong lịch sử cận đại, sử sách có ghi chép nhiều trường hợp bị nghi là những trường hợp du hành thời gian thực tế ngoài đời thực.
2 trường hợp du hành thời gian ngoài đời thực
Thống chế Không quân Hoàng gia Anh Victor Goddard du hành đến tương lai
Năm 1935, khi bay qua một sân bay bỏ hoang gần thành phố Edinburgh, Scotland, Thống chế Không quân Hoàng gia Anh Victor Goddard đã có một trải nghiệm kỳ lạ. Lúc đó khi nhìn xuống, ông chỉ thấy nhà chứa máy bay lấp đầy cỏ dại mọc um tùm xung quanh, trên đó có một đàn bò đang gặm cỏ, theo Message to Eagle.
Không lâu sau, một cơn bão ập đến. Sức gió mạnh mẽ đã kéo ông trở lại phía sân bay. Rồi nó nhanh chóng tan biến và khi ông bay trở lại sân bay đó, thì khu vực này trông rất mới với những máy bay được sơn màu vàng (đây là điều khác thường), một kiểu máy bay cánh đơn thuộc phi đội Không quân Hoàng gia, đồng thời những nhân viên sân bay ở đó toàn bộ đều mặc trang phục màu xanh lam (đây cũng là một điều bất thường, vì các nhân viên thường mặc trang phục màu nâu).
Tất cả những điều này vẫn là một bí ẩn cho tới bốn năm sau đó, khi Lực lượng Không quân bắt đầu sơn máy bay màu vàng, nhập về các kiểu máy bay ông Goddard từng nhìn thấy, và các thợ cơ khí bắt đầu chuyển sang mặc trang phục màu xanh lam.
Phải chăng ông Goddard đã bằng cách nào đó bay đến tương lai 4 năm, rồi nhanh chóng quay trở lại thời đại của mình?
Chứng kiến trước cuộc không kích trong tương lai
Trong cuốn sách về các sự kiện kỳ bí có tựa đề “The Little Giant Book of Eerie Thrills and Unspeakable Chills” của Ron Edwards, C. B. Colby, John Macklin, có kể về trường hợp phóng viên J.Bernard Hutton và Joachim Brandt được cử đi làm phóng sự về xưởng đóng tàu Hamburg ở Đức năm 1932.
Sau khi hoàn thành công việc, họ đột nhiên thấy bầu trời phủ đầy máy bay chiến đấu. Bom nổ, các tòa nhà sụp đổ và cả khu vực biến thành vùng chiến. Thấy vậy, Hutton và Brandt vội lên xe chạy trốn.
Tuy nhiên, khi đi được một quãng, họ dừng xe và quay đầu nhìn lại, và thấy rất sững sờ khi thấy mọi thứ vẫn bình thường, không thấy cảnh tượng không kích hỗn loạn khi trước. Càng ngạc nhiên hơn, họ đã chụp một số ảnh trong suốt cuộc không kích nhưng khi rửa ảnh, các bức ảnh cũng không cho thấy có điều gì bất thường. Tổng biên tập nghĩ rằng hai người này đã quá chén mà trở nên hoang tưởng.
Trước khi Thế chiến II bắt đầu, Bernard Hutton đã chuyển đến London. Năm 1943, ông ngạc nhiên khi đọc trên báo về một cuộc không kích của Không quân Anh vào xưởng đóng tàu Hamburg. Cảnh tượng trông y hệt những gì ông đã chứng kiến vào 11 năm trước.
Phải chăng trong khoảnh khắc đó, hai ông đã tình cờ du hành đến tương lai 11 sau để tận mắt chứng kiến cuộc không kích này?
Thiện Tâm & Quang Khánh
Theo dkn.tv