Cổ nhân dạy: Bậc thượng thiện như nước, lợi cho vạn vật mà không tranh

0
486
Cổ nhân dạy: Bậc thượng thiện như nước, lợi cho vạn vật mà không tranh
Cổ nhân dạy: Bậc thượng thiện như nước, lợi cho vạn vật mà không tranh

“Cái thiện cao nhất như nước” là câu nói nổi tiếng trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Đạo Đức Kinh viết: “Cái thiện cao nhất như nước, nước thiện lợi cho vạn vật mà không tranh, ở chỗ mà mọi người đều không thích, do đó nó gần với Đạo”.

Nguyên văn: “Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố cơ ư Đạo”.

Vậy hàm nghĩa chân chính của câu nói trên là gì?

Đối thoại với bậc trí giả

Có câu chuyện kể rằng, một thương nhân nọ gặp biến cố lớn trong cuộc đời, khiến anh đau lòng không thiết sống nữa, chỉ muốn nhảy xuống hồ tự tử. Khi đến bên hồ anh gặp một bậc trí giả đang ngồi tĩnh tọa, anh bèn kể lại cảnh ngộ của mình.

Bậc trí giả mỉm cười đưa anh về nhà, bảo anh hãy nhấc tảng băng lớn rắn chắc từ cái hầm dưới đất lên. Thương nhân tuy không hiểu dụng ý nhưng vẫn làm theo lời yêu cầu.

Khi tảng băng được đưa đến trước mặt, bậc trí giả căn dặn: “Cậu hãy tìm cách bổ nó ra”.

Thương nhân bèn tìm chiếc rìu và bổ cật lực, nhưng dẫu bổ mạnh đến đâu cũng chỉ để lại trên mặt băng một vết lõm nho nhỏ. Anh lại vung rìu dốc sức bổ xuống lần nữa, nhưng tảng băng vẫn cứng đờ không suy chuyển. Anh thở hổn hển lắc đầu nói: “Tảng băng này cứng quá”.

Bậc trí giả không nói, lẳng lặng đem tảng băng cho vào cái vạc rồi nhóm lửa. Nhiệt độ tăng dần và tảng băng cũng dần dần tan ra. Bậc trí giả hỏi: “Cậu có lĩnh ngộ gì không?”.

Thương nhân trẻ đáp: “Có phải phương thức cháu đối phó với tảng băng không đúng, đáng lẽ không nên dùng rìu bổ mà phải dùng lửa đốt?”.

Bậc trí giả lắc đầu. Vị thương nhân lộ vẻ bối rối, bèn chắp tay xin thỉnh giáo. 

Bậc trí giả nói: “Điều tôi muốn cho cậu thấy chính là 7 cảnh giới của cuộc đời thành công”.

(Ảnh: pic2.me)

Nước ẩn chứa 7 cảnh giới thành công

Kiên cường ý chí

Băng tuy là nước nhưng lại cứng rắn hơn nước gấp trăm lần. Càng ở môi trường giá lạnh khắc nghiệt thì băng càng thể hiện ra đặc tính rắn chắc như sắt thép. 

Đây là cảnh giới thứ nhất của cuộc đời thành công: Ý chí kiên cường, không suy chuyển.

Tụ khí sinh tài

Băng tan thành nước, nước lại hóa thành hơi, rồi thành khí. Khí vô hình, nhưng ở trong một phạm vi nhất định, khi tập trung lại sẽ hình thành lực tích tụ, biến thành sức mạnh to lớn vô cùng, thành động lực không gì sánh được. 

Đây chính là cảnh giới thứ hai của thành công: Tụ khí sinh tài.

Bao dung đón nhận

Băng tan thành nước, nước tẩy sạch vạn vật, bất kể sự vật dơ bẩn thế nào nước cũng mở rộng tấm lòng đón nhận không oán không hận, sau đó dần dần tẩy sạch nó. 

Đây chính là cảnh giới thứ ba của cuộc đời thành công: Bao dung và đón nhận.

Lấy nhu thắng cương

Băng tan thành nước, nước trông như vô lực, từ nơi cao chảy xuống chỗ thấp, gặp vật cản thì uốn quanh, nhẫn nại vô hạn. Nếu gặp tảng đá xù xì thì nước có thể mài nhẵn góc cạnh, nước chảy đá mòn. 

Đây chính là cảnh giới thứ tư của cuộc đời thành công: Lấy nhu thắng cương.

(Ảnh: pixabay.com)

Biết co biết duỗi

Băng tan thành nước, nước có thể lên có thể xuống, lên thì hóa thành mây mù, xuống thì hóa thành mưa sương, hội tụ những dòng nước nhỏ thành sông, từ trên cao chảy xuống chỗ thấp. Cao thì lên đến tận tầng mây, thấp thì chảy vào biển cả. 

Đây chính là cảnh giới thứ năm của cuộc đời thành công: Biết co biết duỗi.

Chu tế khắp thiên hạ

Băng tan thành nước, nước không bao giờ tham gia tranh đấu, tuy là vật lạnh nhưng lại có một trái tim thiện lương. Nước nuôi dưỡng vạn vật thế gian nhưng không đòi hỏi gì ở vạn vật. 

Đây chính là cảnh giới thứ sáu của cuộc đời thành công: Chu tế khắp thiên hạ.

Công thành thân thoái

Băng tan thành nước, nước lại hóa thành hơi, hơi tụ thành sương. Sương mù như khói mịt mùng nhưng lại tự do nhất. Sương mù tụ lại có thể kết thành mưa, hóa thành nước hữu hình. Sương mù tản có thể biệt vô tông ảnh, phiêu du bay lượn nhởn nhơ giữa đất và trời. 

Đây chính là cảnh giới thứ bảy của cuộc đời thành công: Công thành thân thoái.

(Ảnh: wenlc.com)

Cảnh giới tinh thần khác nhau thì năng lực cũng khác nhau

Nhân tâm như nước. Sở dĩ có năng lực khác biệt, thiện ác khác nhau, ham muốn tử sinh… đều bởi vì cảnh giới của mỗi người là khác nhau. Bất kể bạn gặp ai, họ đều là người đáng xuất hiện trong cuộc đời của bạn. Điều đó có nghĩa là, không có ai ngẫu nhiên bước vào cuộc đời của chúng ta.

Mỗi người xung quanh chúng ta và những người có tương tác với chúng ta đều đại biểu cho một số sự việc. Có lẽ họ đến là để chỉ dạy cho chúng ta điều gì đó, cũng có thể họ hỗ trợ chúng ta cải thiện tình huống trước mắt, hoặc có lẽ họ tạo cho chúng ta bước ngoặt trong cuộc đời. 

Trong cuộc đời, mỗi tình huống chúng ta trải qua đều là định trước, cho dù nó không phù hợp với nguyện vọng của chúng ta. Vậy nên, thay vì oán trách số phận hay than vãn với Ông Trời, chi bằng hãy học theo đặc tính của nước: Lúc khó khăn thì hãy kiên cường, vượt qua thử thách; khi yếu thế thì biết hợp sức đồng lòng, vượt qua nghịch cảnh; khi sung mãn đủ đầy thì hãy bao dung, trải lòng rộng khắp; khi cần tiến thì hãy tiến, cần lùi thì hãy lùi, “công thành thân thoái”, lùi một bước để thấy phía trước là bầu trời…

Thanh Bình
Theo Vision Times