Con người có ngoại hình và tâm hồn, vẻ đẹp bên ngoài giống như một đóa hoa nở, có thể trực tiếp nhìn thấy, còn vẻ đẹp tâm hồn lại giống như hương thơm thoang thoảng, không có cách nào nhìn thấy được. Vẻ đẹp tâm hồn cần được tích lũy, thông qua việc tu dưỡng có thể hình thành.
Nhan sắc có thể trang điểm xinh đẹp, nhưng không thể che đậy được bản sắc chân chính; khí chất có thể được bồi đắp thành, nhưng không thể thoát khỏi liên quan đến bản tính. Vẻ đẹp tâm hồn là một loại năng lực không thể nhìn thấy được nhưng năng lực này có thể giúp chúng ta có được sức cuốn hút tự nhiên bởi tâm tướng và hình tướng của bạn.
1. Biết cách nói chuyện cũng là một loại học vấn
Nói chuyện có giới hạn, thích hợp với hoàn cảnh là một loại giáo dưỡng
“Ngôn nhi đương, tri dã mặc, nhi đương, diệc tri dã”.
Dịch nghĩa: Ngôn ngữ có thể bộc lộ cá tính của một con người, biết cách nói chuyện là một loại trí tuệ, mà đôi khi trầm mặc cũng là trí tuệ.
Biết lúc nào nên nói, nói những lời gì, không nên nói năng hồ đồ, đều là các kỹ năng mềm của con người.
Tử Cầm hỏi Mặc Tử: “Nói nhiều có tốt không?”
Mặc Tử trả lời rằng: “Con ruồi, Con ếch bất kể đêm ngày đều không ngừng kêu, kêu đến mức khô rách cả cổ họng, nhưng không có một ai đi nghe âm thanh của chúng. Nhưng tiếng gà trống gáy vào buổi sáng sớm lại khiến cho mọi người đều tỉnh giấc. Nói nhiều có ích lợi gì chứ? Quan trọng là nói đúng thời điểm nên nói”.
Chúng ta thường đánh giá một người có EQ (trí thông minh cảm xúc) cao thì rất biết nói chuyện, thực chất những người như vậy biết được lúc nào nên nói gì, không làm khó người khác, đồng thời thể hiện được sự hào phóng của bản thân.
Bạn càng biết cách nói chuyện, thì càng khiến người khác vui vẻ, khiến người khác thích bạn. Khi người khác càng thích bạn thì bạn sẽ nhận được càng nhiều sự giúp đỡ, bạn sẽ thấy vui vẻ.
Cuộc sống là do mỗi một lời nói, mỗi một hành động của bạn tạo thành, bạn nói chuyện như thế nào, quyết định bạn là ai, thậm chí còn quyết định cả việc bạn sống có tốt hay không.
Họa hay phúc đều từ miệng mà ra, chúng ta nên cẩn thận từng lời nói. Quan tâm đến cảm nhận của người khác mới thật sự là hành động của người trí tuệ.
Có một loại ‘năng lực tinh thần’ quyết định tướng mạo của bạn
2. Từ ngoại hình có thể đánh giá một con người
Từng có một bài đăng như thế này:
“Tính cách được viết bên môi, hạnh phúc lộ ra ở góc mắt.
Tư thế đứng nhìn ra được khí độ tài hoa, cách bước đi thể hiện khả năng tự nhận thức.
Biểu lộ cử chỉ thể hiện chuyện gần đây, lông mày cho thấy những năm tháng trong quá khứ.
Quần áo thể hiện khiếu thẩm mỹ, kiểu tóc cho thấy cá tính. Nghề nghiệp thì xem tay, tu dưỡng thì xem chân.”
Một loạt các quan điểm có vẻ hơi mang tính tuyệt đối, nhưng nó cũng khá hợp lý.
Đến một độ tuổi nhất định, hình tượng của bạn sẽ thể hiện ra con đường mà bạn đã đi qua, sách bạn từng đọc, người bạn từng yêu, chuyện bạn từng gặp phải, nước mắt từng rơi và mồ hôi từng đổ.
Trên thế giới này, luôn có những người xinh đẹp, và những người ngày càng xinh đẹp, tại sao đó không thể là bạn?
Xinh đẹp không chỉ là nét đẹp mang dáng vẻ bên ngoài, mà nó là những cử chỉ đoan trang, đối với người khiêm nhường, nói năng nho nhã… Tất cả sự kinh diễm đều được bồi dưỡng trong quá trình lâu dài.
Rất lâu về trước, có một người thợ thủ công tay nghề cao, nhiều người đến mua tác phẩm điêu khắc của ông. Nhưng ông và người khác không giống nhau, ông thích điêu khắc yêu ma quỷ quái. Một ngày nọ khi ông soi gương phát hiện ra bản thân rất xấu xí, không phải ngũ quan thay đổi, mà là nhìn tổng thể toàn diện rất hung ác, cổ quái.
Sau đó, ông đến một ngôi chùa tìm phương trượng xin được giúp đỡ, phương trượng nói: “Ta có thể giúp thí chủ trị liệu, nhưng trước tiên thí chủ phải giúp chùa điêu khắc một trăm pho tượng Quan Âm”.
Người thợ lập tức không ngừng nghiên cứu quan sát thần tình, đức tính, và biểu tình của Quan Âm, có lúc còn quên cả bản thân mà nhập vào thế giới cực lạc.
Nửa năm sau, sau khi ông điêu khắc ra một pho tượng Quan Âm toát ra vẻ từ bi, lương thiện, khoan dung, ông vội vã đi tìm phương trượng nói: “Xin ngài giúp tôi trị liệu”.
Phương trượng không nói gì chỉ lấy ra một chiếc gương, cười hiền từ: “Bệnh của thí chủ đã được trị khỏi rồi”.
Lúc đó người thợ mới phát hiện tướng mạo của bản thân trở nên đầy chính khí, đoan trang.
Nếu một người tràn đầy nhiệt huyết, luôn mang theo nụ cười trên môi, đến khi già những nếp nhăn cũng trở nên hài hòa và xinh đẹp.
Đây chính là “Tướng do tâm sinh”.
Đến 40 tuổi, bạn phải có lời nói, hành động, tinh thần phù hợp với tuổi tác, thân phận và địa vị của bản thân.
Nhà văn học Sōichi Ōya người Nhật từng nói rằng: “Gương mặt của một người chính là một bộ hồ sơ”.
Tố chất và tu dưỡng từ nội tâm sẽ quyết định tướng mạo bên ngoài của bạn, câu nói này hoàn toàn chính xác.
Những lời nói, hành động, tri thức kinh nghiệm nửa đời trước của bạn vô hình trung thay đổi tướng mạo nửa đời sau của bạn.
3. Người lương thiện căn bản sẽ không bị thiệt thòi
Trong “Lục Tổ Đàn Kinh” có ghi chép: “Tất cả phúc điền đều không thể rời khỏi tâm địa”. Nếu chúng ta gieo một hạt giống lương thiện xuống mảnh đất tâm hồn thì nhất định có một ngày nó sẽ khai hoa kết quả.
Tăng Tử nói: “Một người lương thiện cho dù phúc chưa tới thì họa cũng ở xa”.
Trong một ngôi làng hẻo lánh, thức ăn trong căng tin rất đạm bạc, không phải cải trắng, củ cải thì chính là củ cải, cải trắng. Thân thể của cô giáo yếu đuối nên cô ấy thường đến ngôi làng bên cạnh trường mua trứng gà.
Người bán trứng là một bà lão tuổi đã cao, cô giáo này bèn quyết định trả năm hào tiền cho một cái trứng gà, thật ra ở quê nhà của cô ấy một cái trứng gà chỉ có giá bốn hào năm phân. Cô ấy đã âm thầm nâng cao giá trứng. Nguyên nhân rất đơn giản, cô ấy cảm thấy bà lão đáng thương, không có con cái gì, sống dựa vào mấy con gà, vì vậy mỗi một trứng gà cô ấy đều thêm lên năm phân tiền. Hành động này là muốn giúp đỡ bà lão đáng thương.
Tuy nhiên, bà lão cũng không có ý kiến, chuyện mua bán cứ quyết định như vậy. Qua một khoảng thời gian, cô giáo thấy bà lão vẫn đáng thương, cho nên nâng cao giá trứng thêm năm phân, một cái trứng gà giá năm hào năm phân. Lúc này bà lão mới lên tiếng nhất quyết không chịu nâng cao giá trứng nữa. Nhưng cô giáo vẫn một mực đơn phương nâng cao, không lâu sau đó bà lão cuối cùng cũng chấp nhận.
Một ngày nọ, cô giáo vẫn như thường lệ đến mua trứng, vô tình nhìn thấy một nhà đại lý trứng đang thương lượng giá cả với bà lão, muốn dùng sáu hào tiền một quả trứng để mua toàn bộ giỏ trứng, nhưng bà lão không đồng ý.
Người đến thu mua nói: giá tiền này đã đủ cao rồi, giá trứng trong núi đều như vậy.
Bà lão trả lời rằng vấn đề không phải giá cả, mà là do số trứng này cần phải bán cho cô giáo yếu đuối kia. Người ta từ xa đến dạy học, lại ốm yếu như vậy, bà lão mong rằng cô ấy có thể mập lên một chút, đám trẻ trong làng đều rất cần cô ấy.
Lúc ấy cô giáo hoàn toàn ngơ ngác, thì ra cô ấy mới là người được giúp đỡ, và người giúp đỡ người khác lại chính là bà lão kia. Vậy mới nói, phàm là những gì bạn làm cho người khác thì cũng chính là đang làm cho bản thân mình. Vì vậy những gì bạn muốn có được, trước tiên nhất định phải để người khác có được.
Cuộc sống là một tiếng vang. Khi bạn đem lòng tốt cho người khác, cuối cùng cũng sẽ có một ngày bạn thu hoạch lại được thiện chí từ những người khác. Cho dù bạn đối tốt với ai đi nữa, thì cuối cùng vẫn chính là đối tốt với bản thân.
Bảo trì sự lương thiện của mình, chỉ cần tự vấn lương tâm, không cần để ý đến được hay mất, con đường thơm ngát hương hoa đã ở ngay phía sau bạn.
Bên cạnh bạn có người như vậy không: ngoại hình của họ có lẽ không đẹp mắt, cũng không có tài hoa gì, tuy nhiên dường như lại có một loại mê lực hấp dẫn người khác. Khiến cho bạn muốn đến gần, buông bỏ đề phòng, có thể nói ra những bí mật trong lòng với họ?
Quân tử như ngọc, người khiến người khác thoải mái cũng giống như một khối ngọc tinh mỹ. Ở cùng một người như vậy, giống như bạn đang nghe một ca khúc ấm áp, thưởng thức một ly trà nồng đậm, xem một đóa hoa nở tươi tốt. Khiến cho ánh sáng mặt trời trở thành một dòng nước thanh mát êm dịu.
Audrey Hepburn nổi tiếng khắp thế giới không chỉ dựa vào ngoại hình xinh đẹp, với khuôn mặt sáng sủa của cô ấy, bởi vì trên đời này có rất nhiều mỹ nhân. Cũng không phải do học lực của cô ấy, bởi vì người có học lực cao hơn cô ấy còn vô số.
Mà thứ khiến cho người ta nhớ rõ cô ấy chính là cô ấy đã dùng cả đời mình để giải thích tường tận cái gì là “Tâm sinh tướng”. Trong di thư của mình cô ấy đã viết như thế này:
“Nếu muốn có một đôi môi đẹp thì phải nói những lời tốt đẹp;
Nếu muốn có một đôi mắt đáng yêu, thì phải thấy lợi ích của người khác;
Nếu muốn có dáng người mảnh mai, hãy chia sẻ thức ăn của bạn với những người đói;
Nếu muốn có một mái tóc mượt mà thì hãy để những ngón tay của trẻ em xuyên qua nó hằng ngày;
Nếu bạn muốn có một cử chỉ thanh lịch, hãy nhớ rằng không chỉ có một mình bạn đi lại trên đường.
Đây là cách giải thích tốt nhất về câu “Tâm sinh tướng”.
Bản chất chân chính của một người không phải là ngoại hình, không phải là tiền bạc, không phải là trình độ học vấn, mà đó chính là tâm hồn, điều không bao giờ biến mất theo năm tháng. Để tâm hồn luôn thiện lương chúng ta phải luôn tu dưỡng vì đó chính là cánh cửa liên thông với đất trời và con người cũng như vạn sự vạn vật trong vũ trụ.
Theo Secret China / DKN.tv
Khải Phong biên dịch